Cồn Bửng Nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 70km, thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Gần đây, trong những ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ Tết, cồn Bửng thu hút khá đông du khách từ TP Hồ Chí Minh đổ về, từ miền Tây đổ lên. Với vẻ hoang sơ, yên tĩnh của khung cảnh thiên nhiên cộng thêm sự chan hòa, mến khách của người dân bản địa, cồn Bửng mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, yên lành.
Miền Tây có rất nhiều cồn, mỗi tên cồn gắn với đặc điểm riêng của vùng đất nơi đó. Nhiều người cho rằng tên gọi cồn Bửng xuất phát từ hình dạng của cồn giống như một bửng đất. Từ trên cao nhìn xuống, sông cồn Bửng như vết cắt, cắt một khoảnh đất ra khỏi đất liền. Phía đông nam của cồn Bửng giáp với biển Đông.
Từ Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, du khách đến Bến Tre. Từ Bến Tre, du khách theo quốc lộ 57 để đến huyện Thạnh Phú. Từ trung tâm huyện Thạnh Phú, đi thêm trên 20km nữa mới đến biển. Thạnh Phú là huyện cuối cùng của cù lao Minh và chỉ có xã Thạnh Hải, Thạnh Phong là có biển. Bờ biển nằm giữa hai cửa sông Hàm Luông và Cổ Chiên nên rất giàu phù sa bồi đắp. Phù sa lấn biển đến đâu, những cây đước, tràm, sú, vẹt mọc lên giữ đất, thành những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, biển và rừng tràm cồn Bửng là bến tàu không số mật danh A101.
Biển cồn Bửng nổi danh với con đường ốc Viết và những hồ bơi thiên tạo. Gọi là ốc Viết vì vỏ ốc có dạng hình cây viết. Ốc Viết xuất hiện vào mùa gió chướng, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch. Người dân địa phương cho rằng, ốc Viết từ ngoài khơi được sóng vỗ đưa dần vào bãi cát. Trong một vài giờ, nước cạn, nếu ốc Viết không vùi được xuống cát, đợt nước lớn khác, sóng đánh dồn, ốc khó có khả năng sống sót. Những con ốc Viết chết nằm la liệt trên bãi biển, tạo thành con đường ốc Viết độc đáo cho cồn Bửng.
Khi thủy triều xuống, bãi biển cồn Bửng lộ ra 3 hồ nước mà người ta thường gọi là hủng. Những hồ nước này do luồng xoáy của các dòng hải lưu tạo thành. Từ bờ trở ra, các hồ nằm cách nhau bởi những bờ cát rộng 20 đến 30 mét. Mỗi hồ nước sâu từ 0,5 đến 1,5 mét; rộng từ 10 đến 20 mét; dài tít tắp. Các hồ này thường rất bằng phẳng, sạch, không có bùn và xác ốc nên là nơi tắm lý tưởng, không sợ bị sóng biển cuốn. Hồ có mực nước nông, cũng rất thích hợp cho trẻ em và những người không biết bơi. Đặc biệt, hằng năm, bãi biển cồn Bửng đều thay đổi hình dạng. Vào những ngày giáp Tết, bãi biển lài và phẳng, những hồ nước dường như biến mất để rồi sau đó, các dòng hải lưu lại tạo ra những hồ nước ở cùng một vị trí và cùng diện tích như trước. Đó là sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Cồn Bửng còn là điểm du lịch tâm linh. Đến cồn Bửng, khách tham quan thường đến Lăng Ông Nam Hải. Tại lăng, du khách có thể chiêm ngưỡng hai bộ xương (1 bộ có chiều dài khoảng 20 mét và 1 bộ có chiều dài khoảng 25 mét) của hai cá Ông đã “lụy” tại bờ biển cồn Bửng vào tháng 2 và tháng 4 năm 2004. Lăng Ông Nam Hải ở cồn Bửng còn khá đơn sơ về cả kiến trúc lẫn cách bài trí nhưng đủ để cho du khách cảm nhận được tấm lòng thành của người dân nơi đây. Lễ hội Nghinh Ông nơi đây được tổ chức sau Tết Nguyên đán; chính lễ diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng.
Năm nay lễ hội Nghinh Ông xã Thạnh Hải được tổ chức với quy mô mở rộng. Vào dịp lễ hội, du khách khắp nơi đổ về cồn Bửng, thắp hương tại Lăng Ông cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt trúng mùa, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Phần chính lễ diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng, gồm: lễ Nghinh Ông, lễ an vị và lễ dâng hương. Những ngày trước đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ được tổ chức tại Khu du lịch cồn Bửng, như: múa lân, thi mâm xôi, các trò chơi dân gian, giao lưu đờn ca tài tử…
Đối diện với Lăng Ông Nam Hải là Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển- công trình ghi dấu và tôn vinh những chiến sĩ trên các con tàu không số. Đây là dự án lớn, qui mô trên 600 ha, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Dự án được khởi động năm 2010, động thổ khởi công năm 2013 và kéo dài đến năm 2030, được chia làm 3 giai đoạn, gồm nhiều hạng mục: công viên và bia ghi tóm tắt di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, Đài tưởng niệm trung tâm, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, Nhà trưng bày, Tượng đài Đoàn tàu không số… Tương lai không xa, khi đến đây, du khách sẽ được tham quan những công trình đẹp, đầy ý nghĩa, được đắm mình trong lịch sử hào hùng của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại nói riêng và lịch sử hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc nói chung.
Đường về cồn Bửng đã được trải nhựa, thuận tiện giao thông; biển cồn Bửng hấp dẫn bởi nét hoang sơ, kỳ thú; cồn Bửng còn có nhiều điểm tham qua thú vị… Đó là những lý do để du khách chọn cồn Bửng làm điểm đến thư giãn trong những ngày nghỉ cuối tuần.